Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng có thể tạo ra một “nền kinh tế” mới và thay đổi hầu hết các ngành nghề, như công nghiệp, y tế, giáo dục…
VinBrain là startup công nghệ y tế đầu tiên tại Việt Nam được tham dự RSNA 2023
Dự báo của công ty tư vấn McKinsey tới năm 2030, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng góp thêm khoảng 13.000 tỷ USD vào nền kinh tế thế giới, chiếm khoảng 1,2% mỗi năm.
Đồng thời, công nghệ AI dự kiến sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới. Theo McKinsey, sự phát triển của AI sẽ được công nhận rộng rãi như một biểu hiện sức mạnh của một quốc gia, ngành kinh tế, hay trong một doanh nghiệp cụ thể.
Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực.
Theo báo cáo của Oxford Insights công bố vào tháng 2/2023, chỉ số sẵn sàng cho công nghệ AI của Việt Nam đã đạt mức 51,82/100, tăng 14 bậc so với trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72.
Theo TS. Nguyễn An Nguyên – CEO của Trusting Social, AI thậm chí có thể tạo ra một “nền kinh tế” mới tại Việt Nam, và thay đổi hầu hết các ngành.
CEO Trusting Social đánh giá, AI sẽ có khả năng thực hiện các công việc trong nền kinh tế và được chia thành năm trình độ khác nhau: AI nói chuyện, AI kiến thức cơ bản, AI có kỹ năng công việc, AI có khả năng tự học, và cuối cùng là sự độc lập hoàn toàn của AI.
“Khi các AI đạt độ chính xác tương đương hoặc vượt qua các ngành như y học, bảo hiểm và tài chính, chính phủ sẽ phải thừa nhận tính độc lập của chúng”, TS Nguyên nói.
AI có thể thay thế nhiều công việc và góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng TS Nguyên cũng cảnh báo những thách thức mà AI mang lại, bao gồm sự đối đầu với vấn đề đạo đức và quản lý quyền lực của các công cụ AI trong xã hội.
Lấy ví dụ về ngành công nghiệp phần mềm, giáo dục và dịch vụ, đại diện Trusting Social lạc quan về khả năng thành công trong việc tạo ra năng lực cạnh tranh nhờ AI, với viễn cảnh “nền kinh tế” trí tuệ nhân tạo đang đến gần.
Trong lĩnh vực y tế, VinBrain thuộc Tập đoàn VinGroup đã sử dụng trợ lý ảo DrAid trong hơn 100 bệnh viện tại Việt Nam, và hỗ trợ gần 2.000 bác sĩ trên cả nước trong việc sàng lọc tổng thể, chẩn đoán và điều trị ung thư và quản lý bệnh viện.
VinBrain cũng là startup công nghệ y tế đầu tiên tại Việt Nam được tham dự RSNA (Radiological Society of North America) là diễn đàn trao đổi học thuật uy tín cho các chuyên gia đầu ngành, quy tụ nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ y tế thế giới.
Tại đây, VinBrain đã giới thiệu hai giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính là nền tảng hỗ trợ quản lý y tế DrAid Enterprise Data Solution, và DrAid hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư (gồm ung thư gan và ung thư trực tràng).
“Danh mục các giải pháp AI phát triển bởi VinBrain đang được các bác sĩ nhanh chóng áp dụng vào công việc hàng ngày của họ”, Giáo sư Bác sĩ Gregory Moore – Cố vấn y khoa của VinBrain, hiện công tác tại Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo và Hình ảnh Y tế (AIMI) – Trường Y thuộc Đại học Stanford, Mỹ cho biết.
Còn theo ông Trương Quốc Hùng – nhà sáng lập và CEO VinBrain, cốt lõi của việc đưa trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực y tế là chuyển đổi khối dữ liệu y tế thô, khổng lồ thành kiến thức và hành động.
Trong đó, DrAid Enterprise Data Solution sẽ giúp thúc đẩy khả năng tương tác và hợp lý hóa quy trình thăm khám và vận hành của bệnh viện, đồng thời tiên phong quá trình chuyển đổi sang chăm sóc chính xác.
Với DrAid hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư, ông Hùng cho rằng, đây là một minh chứng về xu thế sử dụng AI rộng rãi cho chẩn đoán chính xác hơn và cải thiện các quyết định điều trị đối với những căn bệnh nan y.
VinBrain cũng là một trong số ít những công ty tiên phong trên thế giới phát triển nền tảng sàng lọc, phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị nhằm hỗ trợ bác sĩ ung bướu trong cuộc chiến chống ung thư gan và trực tràng – 2 trong số 10 bệnh ung thư với tỉ lệ tử vong và mắc mới cao nhất trên toàn thế giới.
Trước đó, các nhà khoa học VinBrain đã công bố một nghiên cứu đột phá để làm phong phú biểu diễn tổn thương trên gan, nhằm phát hiện và phân loại ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), loại ung thư gan phổ biến nhất trên tạp chí đa ngành chuyên biệt về khoa học tự nhiên, y tế top 1 thế giới – Nature Scientifc Reports.
Gần đây, FPT đã trở thành cổ đông chiến lược của startup AI top 10 toàn cầu là Landing AI
Tại FPT, trí tuệ nhân tạo được xem là hướng đi trọng tâm trong thời gian tới. Hiện trong lĩnh vực AI, FPT đang đầu tư mạnh mẽ ở các góc độ: con người, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và nghiên cứu. FPT đã gia nhập liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi xướng, thiết lập các chiến lược nghiên cứu với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới – Mila.
Gần đây, FPT đã trở thành cổ đông chiến lược của startup AI top 10 toàn cầu là Landing AI. Tham vọng của FPT là triển khai các dự án AI như: phát triển ứng dụng thị giác máy tính cho các ngành công nghiệp, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Đến nay, FPT đã xây dựng cơ sở hạ tầng tính toán AI, đăng ký bằng sáng chế và mở rộng hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới. Hiện hệ sinh thái công nghệ AI gồm hơn 20 giải pháp, dịch vụ của FPT có hơn 200 triệu lượt sử dụng mỗi tháng tại 15 quốc gia.
Chủ tịch FPT – ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Sự hợp tác với các công ty hàng đầu thế giới như Landing AI sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho phát triển AI tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc dẫn đầu về AI”.
Ông Bình tin rằng hợp tác không chỉ tạo ra sự thay đổi tích cực tại Việt Nam, mà còn mang lại lợi ích rất lớn trong nghiên cứu, ứng dụng AI và góp phần phát triển lực lượng lao động của lĩnh vực này trên toàn cầu.
FPT hiện hoạt động trên 30 quốc gia trên toàn cầu, dẫn đầu phát triển các xu hướng công nghệ mới nhất như AI, Big Data, Cloud, Blockchain, RPA….tại Việt Nam.
Một thập kỷ qua, FPT đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển công nghệ AI một cách toàn diện ở các góc độ: con người, nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quan hệ với các đối tác hàng đầu thế giới và đẩy mạnh việc đưa AI vào mọi sản phẩm công nghệ Made by FPT.
Trong mảng nghiên cứu, các nhà khoa học FPT đang tập trung phát triển bộ não trí tuệ nhân tạo có khả năng nhận thức, tư duy và phân tích thông tin tiếp nhận từ các giác quan nghe, nhìn, đọc giống như con người.
Nguồn: The Leader